Trang

3 tháng 6, 2014

Bình yên K9, nơi Bác Hồ từng ở từ 1960-1969

           
 
TT - Bình yên và tĩnh tại với không gian mang đậm màu sắc hoài cổ cùng những câu chuyện lịch sử ở khu di tích K9 - Đá Chông (xã Minh Quang, huyện Ba Vì), cách trung tâm Hà Nội chừng 60km.
Các bậc thang đều được rải đá cuội đủ màu sắc - Ảnh: H.Dương

Là một điểm tham quan, du lịch nhưng K9 từ bao năm nay vẫn mang trong mình vẻ bình yên, trang nghiêm vốn có. Con đường nhựa chạy thẳng tắp qua khu di tích hầu như vắng bóng xe cộ qua lại. Nơi đó chỉ có những chiếc lá vàng bay theo gió cùng tiếng chim hót líu lo. Đứng ở đây, chúng ta có thể nhìn thấy đỉnh núi Ba Vì, nơi có đền Thượng thờ Đức thánh Tản Viên Sơn Tinh rất rõ vào ngày trời trong.
Ngay sát khu di tích là dòng sông Đà hiền hòa chảy. Dòng sông Đà bắt nguồn từ Lai Châu chảy về đây, bất ngờ đổi hướng chảy lên phía Bắc. Khi sông Đà tới đoạn Bạch Hạc đã hợp lưu với sông Hồng, sông Thao tạo thành thủy lưu mênh mông về chầu đất tổ vua Hùng. Theo truyền thuyết, khu vực này xưa kia diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh.
Năm 1957, Bác Hồ đã dừng chân ở đây trong một lần đi kiểm tra diễn tập của bộ đội. Người  từng sống và làm việc ở đây suốt chín năm (1960-1969). Nơi đây có đủ các khu nhà làm việc của Chủ tịch nước, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chính phủ.
Khu di tích K9 trong thời gian dài được bảo mật nghiêm ngặt, hầu như không cho người dân và du khách vào tham quan. Nhưng vài năm gần đây, K9 đã mở cửa đón các đoàn du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc về dâng hương và ngắm cảnh. Ở vùng đất Ba Vì có đến cả chục địa danh du lịch nổi tiếng như Ao Vua, Đầm Long, Khoang Xanh, Suối Tiên, núi Ba Vì... nhưng rất nhiều bạn trẻ thường bỏ quên K9 trong tour hành trình của mình.
Với những ai đam mê du lịch sinh thái thì không thể bỏ qua K9 trong hành trình khám phá vùng rừng núi Ba Vì. Bạn Phương Nhung, sinh viên đang học ở Hà Nội mà chúng tôi gặp ở K9, cho biết: “Mình không nghĩ một khu di tích lịch sử lại có những cảnh đẹp và nhiều điều thú vị như vậy. Sau gần một ngày ở đây, mình đã có suy nghĩ khác trước hoàn toàn”.
H.DƯƠNG - NG.HƯỜNG

Những ngày thi nắng nóng: ăn gì, uống gì?



Trời nắng nóng còn làm các em rất dễ bị cảm, mất nước hoặc bị các bệnh lây theo mùa... Vì thế để có sức khỏe tốt trong kỳ thi quan trọng của 12 năm học này, các thí sinh kỳ thi THPT nên tuân thủ một số nguyên tắc ăn uống.
Trước tiên, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cao nhất, thí sinh nên ăn ở nhà, ăn thức ăn nấu chín kỹ, nên ăn ngay sau khi chế biến, hạn chế ăn thức ăn cũ, nên uống nước đun sôi để nguội. Nếu phải ăn bên ngoài do nhà xa, không có đủ thời gian... học sinh cũng nên chọn những cửa hàng ăn uống sạch sẽ, nên chọn các món nấu chín và còn nóng, không ăn món tái (ví dụ phở tái, trứng lòng đào, gỏi cá sống...), không ăn rau sống nói chung.
Về nước uống, tốt nhất là mang theo một chai nước cho riêng mình, không nên uống nước đá vì không đảm bảo vệ sinh, các loại nước ngọt, nước tăng lực đều không tốt cho hoạt động của não bộ... Mang theo một chai nước không chỉ giúp học sinh bù đủ nước trong thời gian nắng nóng như hiện nay mà uống nước từng ngụm nhỏ còn là cách giúp các em đỡ căng thẳng.
Học sinh phải ăn đủ bữa, đủ các nhóm thực phẩm, ăn đa dạng và nên ăn như ngày bình thường, có đủ protein để giúp não hoạt động tốt, ăn đủ rau xanh và trái cây tươi để cung cấp nhiều vitamin giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Không được bỏ bữa, nhịn ăn hoặc ăn quá qua loa do trạng thái căng thẳng, lo lắng vì khi ăn không đầy đủ, các em rất dễ bị hạ đường huyết, khả năng tập trung kém... sẽ không tốt cho việc làm bài, thi cử.
Tuyệt đối không nên nghe quảng cáo về các loại thức ăn, thức uống hoặc thuốc bổ tốt cho não mà từ trước đến giờ chưa từng dùng qua vì các loại thức ăn, nước uống, thuốc... lạ (lần đầu tiên dùng) có thể gây ra dị ứng, không tốt cho sức khỏe và ảnh hưởng xấu đến kỳ thi quan trọng này. Về tâm lý, khi lo lắng, căng thẳng, các em cần hít thở sâu, sau vài lần hít sâu vào và thở chậm ra, các em sẽ cảm thấy dễ chịu, bớt hồi hộp; uống vài ngụm nước cũng giúp các em dễ chịu hơn. Và để thoát khỏi lo lắng, căng thẳng, ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý như nói ở trên, học sinh cần biết rằng kỳ thi này dù quan trọng nhưng cũng là những kiến thức, kỹ năng mình đã học, cần sự tự tin và bình tĩnh ở mỗi cá nhân học sinh.
TS.BS TRẦN THỊ MINH HẠNH
(phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)
MỸ DUNG ghi