Đã có một “đường dây buôn tiền” có một không hai trong lịch sử của những người cộng sản mà hành tung của họ còn ly kỳ gấp nhiều lần những phim trinh thám, tồn tại hàng chục năm giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gay go, gian khổ nhất.
Những người buôn tiền đã âm thầm hoạt động trên khắp thế giới và trong lòng địch, chuyển hàng trăm triệu USD vào chiến trường, đổi ra tiền riel Campuchia, tiền bath Thái Lan, tiền chính quyền Sài Gòn, để nuôi quân, đánh thắng kẻ thù.
Ban tài chính đặc biệt là hệ thống gồm hai đầu mối chính hợp thành cơ cấu tài chính thống nhất trong cả nước, gồm Ban Tài chính đặc biệt, bí số N.2683 ở miền Nam và Quỹ ngoại tệ đặc biệt, bí số B.29 ở miền Bắc. N.2683 có chân rết ở Bắc Kinh, Hồng Công, Paris, Phnom Penh… B.29 thuộc Cục Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước, tiền thân của Ngân hàng Ngoại Thương, hoạt động đơn tuyến, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ chính trị, có nhiệm vụ quan hệ và tiếp nhận viện trợ bằng ngoại tệ của nước bạn và các tổ chức, cá nhân, Việt kiều yêu nước trên thế giới để chuyển vào miền Nam, từ đó đưa đến những nơi cần thiết.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. |
Từ năm 1954 đến năm 1959, nguồn tài chính của Đảng ở miền Nam chủ yếu là số vàng, tiền Đông Dương do ta để lại khi lực lượng chủ lực đã tập kết ra Bắc theo hiệp định Genève; ngoài ra là vàng, tiền ta bí mật gửi vào sau và đặc biệt là nguồn thu từ các tổ chức kinh tế hoạt động công khai trong lòng địch. Từ năm 1960 đến năm 1964, sau khi Bộ chính trị ra nghị quyết 15 khẳng định đường lối vũ trang đánh Mỹ, ban Tài chính đặc biệt xây dựng cơ sở bình phong tại Phnom Penh, tại Sài Gòn để chuẩn bị tiếp nhận chi viện từ hậu phương lớn nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Thời gian này, việc chi viện cho miền Nam chủ yếu bằng phương thức thô sơ: vận chuyển tiền mặt từ miền Bắc vào bằng đường bộ theo đường dây 559, đường thủy theo đường mòn Hồ Chí Minh trên biển và quá cảnh sang Campuchia bằng đường hàng không. Theo cách này, mỗi khi đưa tiền đi, ông Hai Hùng (cố Thủ tướng Phạm Hùng) điện gọi ông Thùy Vũ, phụ trách cơ quan đại diện cho chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Phnom Penh về Hà Nội. Cán bộ B.29 mang lệnh của ông Hai Hùng đến Cục Ngoại hối nhận tiền, rồi chở về, gói gém dưới dạng hàng mẫu cho Thùy Vũ mang sang Phnom Penh, giao lại cho người của ông Thăng Long (Mười Phi – tức Nguyễn Văn Phi ) đưa về miền Nam, mỗi lần mấy triệu USD. Lại có lần, ông Lê Hoàng, Cục phó Cục ngoại hối, phái viên của B.29 một mình ôm cặp ngoại giao đựng hơn 3 triệu USD mua từ Ngân hàng Thụy Sỹ, quá cảnh Matxcova về Hà Nội an toàn.
Chuyển tiền mặt có nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro, chỉ cần một mắt xích trong đường dây bị đứt sẽ gây tổn thất không nhỏ cho cả hệ thống, chưa kể trên đường đi, có lần xe của đoàn 559 chở “hàng Z” bị máy bay địch ném bom, mất hàng triệu USD. Ban Tài chính đặc biệt đã chuyển hướng, bắt đầu đánh thông đường công khai bằng cách chuyển một số chủng loại hàng hóa gọn nhẹ, dễ quy đổi ra tiền mặt.
Năm 1965, ông Ba Châu (Lữ Minh Châu) được cử vào chiến trường, tổ chức triển khai phương án thanh toán đặc biệt qua hệ thống ngân hành nước ngoài. Ba Châu đã tốt nghiệp đại học ngành tài chính – ngân hàng tại Liên Xô năm 1964, nắm vững nghiệp vụ ngân hàng hiện đại. Đi bộ theo đường Trường Sơn hơn 2 tháng trời, người đàn ông gày gò, bị cắt hai phần ba dạ dày đã vào đến chiến trường khu Năm, rồi sang Campuchia, “lặn luôn trong Việt kiều”. Suốt từ đó đến năm 1975, hơn 10 năm hoạt động trong lòng địch, ông Ba Châu cùng các đồng chí của mình lập nên một đường dây buôn tiền độc đáo, có một không hai trong lịch sử.
Ông Lữ Minh Châu và vợ xuất hiện như một nhân chứng trong chương trình "Như chưa hề có cuộc chia tay". |
Để thực hiện việc chuyển khoản, ta được một số thương nhân hỗ trợ, trong đó có Tư Trần An, một thương nhân Hoa Kiều giàu có. Trần An là đầu mối buôn vàng lớn ở Chợ Lớn, chuyên nhập vàng từ Hồng Công nên cần có nguồn ngoại tệ kí gửi tại đó để thanh toán cho những chuyến nhập vàng. Trước đây ông Trần An làm việc tại Ngân hàng Đông Dương Sài Gòn, chuyên về thu đổi ngoại tệ nên rất am hiểu thị trường, lại có hệ thống thông tin, vận chuyển riêng rất an toàn. Tiền bán vàng của Trần An được chuyển cho Dân Sanh, người của N.2683 rồi chuyển về chiến khu. Sau đó, ta chuyển trả tiền cho Trần An theo tài khoản ở Hồng Công theo quy ước riêng. Ngoài Trần An còn có đảng viên Năm Tấn, giám đốc công ty Tân Á, một công ty lớn có uy tín trên thương trương Campuchia và trong giới kinh doanh Hoa kiều. Nói thì đơn giản vậy nhưng giữ được an toàn bí mật những mối “làm ăn” này trong hàng chục năm là một kỳ tích không nhỏ và những thương gia trượng nghĩa như Trần An đã cộng tác với ta không hẳn chỉ vì lợi.
Tiền chuyển về Sài Gòn được “chế biến” thông qua các tổ chức bình phong của ta như Công ty Phương Mai, một hãng buôn lớn do ông Dân Sanh phụ trách. Có lúc ông Dân Sanh đã dùng cả đoàn xe vận tải 40 chiếc và 2 tàu cận duyên của hãng để vận chuyển tiền. Ngoài ra còn có hàng loạt kho chứa bí mật ở khắp nơi.
Cuộc giải cứu ngoạn mục
Từ năm 1965 đến 1975, Ban Tài chính đặc biệt đã tiếp nhận và chuyển tiếp vào chiến trường hơn 678 triệu 700 nghìn USD, gồm hơn 262 triệu là tiền viện trợ, hơn 24 triệu là tiền của các tổ chức và cá nhân quốc tế, Việt kiều yêu nước ủng hộ, 21 triệu là tiền lãi kinh doanh chuyển đổi và gửi ngoại tệ, gần 7,5 triệu là lãi từ tiền dự trữ cho chiến trường đến sau ngày giải phóng. |
Ngày 24/2/1970, Chính Phủ Campuchia ra lệnh đổi tiền. Thông qua Công ty Tân Á, toàn bộ số tiền của ta đã được đổi, nhưng ngày 18/3/1970, Lon Nol làm đảo chính lật đổ Quốc trưởng Sihanouk, mở cuộc tàn sát Việt kiều quy mô lớn chưa từng có, đập phá Sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một số lượng tiền riel rất lớn và hàng triệu USD có nguy cơ mất sạch do còn kẹt lại Tân Á.
Ông Ba Châu đã tổ chức đào hầm ngay tại nhà kho Công ty Tân Á, chỉ trong hai ngày, toàn bộ số tiền riel và USD đã được chôn giấu cẩn thận dưới một nên xi măng chịu được xe tải nặng. Những ngày này, do thiếu tiền, bộ đội ở căn cứ phải giảm 50% khẩu phần ăn. Mãi đến ngày 11/4/1970, số tiền trên mới được chất lên 2 xe tải chở mắm bò hóc, xuyên thủng vòng vây của địch, về tới nơi an toàn. Sau đó, trải qua nhiều nguy hiểm, Ba Châu về được Sài Gòn, hoạt động trong lòng địch cho đến ngày giải phóng.
Đoạn kết
Sau ngày miền Nam giải phóng, Ban Tài chính đặc biệt giải thể, cán bộ N.2683, B.29 nhận nhiệm vụ khác. Các ông Mười Phi, Ba Châu và nhiều đồng chí trong “đường dây buôn tiền” trở thành cán bộ chủ chốt của ngành Tài chính – Ngân hàng. Các ông đã góp phần phá bỏ sự trì trệ của cơ chế bao cấp, nhất là trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng, đưa nền kinh tế đất nước chuyển sang giai đoạn đổi mới. Đầu tháng 6/1986, ông Lữ Minh Châu được bổ nhiệm làm Bộ trưởng, Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giữa lúc nền kinh tế lâm vào thảm cảnh do hậu quả của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp kéo dài cộng với sai lầm trong chính sách giá – lương – tiền, lạm phát lên đến 774.7%. Bằng tài năng, kinh nghiệm của mình, trên cương vị người đứng đầu ngành Ngân hàng đất nước, ông Ba Châu đã đề xuất nhiều biện pháp góp phần đẩy lùi lạm phát. Năm 1987, tỷ lệ lạm phát còn 223,1%, sang năm 1989 chỉ còn 34,7%.
Vì nhiều lý do, sau hàng chục năm chiến công của “đường dây buôn tiền” có một không hai mới được chính thức công nhận. Ngày 28/4/2009, Chủ tịch nước đã quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Ban Tài chính đặc biệt thuộc Trung ương Cục miền Nam (Bí số N.2683) thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và phòng B.29 (Quỹ đặc biệt) thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhiều người trong đường dây đã không còn sống đến ngày nay. Thế nhưng, chiến công của họ còn mãi trong lịch sử dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét