Trang

5 tháng 1, 2011

Mâu thuẫn tiền tệ Mỹ-Trung: Thách thức với Việt Nam


Thứ tư, 05/01/2011 13:07

Việt Nam còn phụ thuộc nặng nề vào nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, nếu giá NDT cao thì giá thành sản xuất cao, doanh nghiệp khó cạnh tranh.

Mâu thuẫn lợi ích
Kết thúc hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua, các nhà lãnh đạo đã nhất trí kiềm chế phá giá bản tệ, nhưng không đưa ra được các bước đi cụ thể để giảm sự mất cân bằng thương mại toàn cầu và mang lại lợi ích dài hạn cho tất cả các nước.
 
Bất đồng này dường như đã được dự báo khi FED thông qua kế hoạch chi thêm 600 tỉ USD để mua trái phiếu chính phủ. Hệ quả là, USD giảm giá với tác động tức thời là giá vàng lập kỷ lục mới 1.424,30 USD/oz, giá dầu mỏ và nhiều mặt hàng tăng đột biến.
 
Trung Quốc chỉ trích gay gắt và cho rằng, động thái này của FED có thể làm tăng dòng vốn vào và hình thành bong bóng bất động sản tại các nước châu Á, gây nguy cơ tái diễn khủng hoảng năm 1997-1998.
 
Ngày 11/11, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) phải nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 0,31% lên 6,6242, đây là lần nâng giá đồng nội tệ lớn nhất kể từ tháng 6, đồng thời tăng dự trữ bắt buộc lên 18% tại 6 ngân hàng thương mại lớn nhằm kiềm chế lạm phát khi lạm phát.
 
So với việc duy trì bản tệ thấp, Nhân dân tệ mạnh sẽ giúp gia tăng sức mua của các doanh nghiệp và người dân Trung Quốc, nhưng Trung Quốc muốn sử dụng con bài tỷ giá để buộc Mỹ phải nhượng bộ.
 
Giảm nhập siêu từ Trung Quốc?
 
Để tránh bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã tìm cách "tuồn" hàng qua Việt Nam hoặc đặt nhà máy tại Việt Nam gia công hàng cho Trung Quốc, với phần đóng góp phụ trội rất thấp của Việt Nam.
 
Việc doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu thành phẩm từ Trung Quốc về để gia công đã và đang làm tăng mức độ phụ thuộc về kinh tế của Việt Nam, cản trở tiến trình công nghiệp hóa đất nước.
Trong cán cân thương mại năm 2009, Việt Nam xuất siêu khoảng 8,35 tỉ USD vào thị trường Mỹ và 3,77 tỉ USD vào EU, nhưng lại nhập siêu 11,2 tỉ USD từ Trung Quốc, nghĩa là "lời" bao nhiêu với Mỹ và EU thì lại "hụt" gần bằng ấy với Trung Quốc.
Nhân dân tệ tăng giá mạnh là một tất yếu, điều này cũng đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam thận trọng cả trong việc lựa chọn đồng tiền thanh toán. Phía bạn gợi ý là hàng xuất sang Trung Quốc thì được trả bằng Nhân dân tệ, hàng Trung Quốc xuất sang Việt Nam được thanh toán bằng VND.
Đề xuất này có vẻ hợp lý, nhưng do Việt Nam đang nhập siêu từ Trung Quốc trên 10 tỉ USD và các doanh nghiệp Việt Nam thường lệ thuộc vào vốn vay, nên mức độ rủi ro là cao, cả rủi ro lãi suất, rủi ro tỉ giá và rủi ro thị trường.
Nếu sử dụng VND trong thanh toán, doanh nghiệp sẽ phải vay VND, nhưng việc đi vay VND tại các ngân hàng sẽ vấp phải khó khăn do lãi suất VND đang đứng ở mức rất cao, nếu Nhân dân tệ lên giá so VND thì phải điều chỉnh lại hợp đồng.
Vì thế, các doanh nghiệp có thiên hướng chọn Nhân dân tệ làm đồng tiền thanh toán và có thể vay trực tiếp từ doanh nghiệp Trung Quốc với điều kiện vay vốn thuận lợi hơn, nhưng cách làm này có thể đẩy các doanh nghiệp Việt Nam vào thế bị lệ thuộc.
Ngay cả việc sử dụng VND làm đồng tiền thanh toán cũng gặp rủi ro vì doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tăng cường thu gom hàng từ Việt Nam với mọi giá do họ có sẵn nguồn VND trong tay.
 
Ngoài ra, nguồn VND dồi dào cũng giúp các doanh nghiệp Trung Quốc tăng vốn đầu tư vào Việt Nam, chủ yếu là những ngành không đòi hỏi công nghệ cao mà cần nhiều sức lao động với năng suất lao động rất thấp, chủ yếu là may mặc, da giầy, công nghiệp lắp ráp, khai thác tài nguyên.
Nếu chọn đồng tiền thanh toán là USD, thì doanh nghiệp Việt Nam có thể thanh toán bằng nguồn USD thu được từ hoạt động xuất khẩu sang thị trường khác và chỉ phải điều chỉnh lại hợp đồng khi Nhân dân tệ lên giá.
Trong trường hợp thiếu USD, doanh nghiệp có thể vay ngân hàng với lãi suất USD rất thấp hoặc thu gom USD rất dễ dàng và tỉ giá USD/VND cũng ổn định hơn so với tỉ giá Nhân dân tệ/VND.
Tóm lại, các doanh nghiệp và cá nhân cần thận trọng trong việc ký hợp đồng thương mại và đầu tư, phần nhập siêu cần được thanh toán bằng những đồng tiền khác.
 
Với mức nhập siêu từ Trung Quốc tương đương với tổng mức thâm hụt thương mại quốc gia, các nhà hoạch định chính sách cần sớm điều chỉnh lại chính sách xuất nhập khẩu.
Đối với doanh nghiệp, phải tổ chức lại sản xuất, công nghệ, điều chỉnh kế hoạch thu mua và dự trữ nguyên liệu theo hướng chuyển sang nhập khẩu từ nước khác và từ thị trường mà Việt Nam đang xuất siêu, nhất là từ Mỹ, EU và các nước phát triển khác.
Nguồn Vneconomy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét