Thứ bảy, 01/01/2011 07:36
Kết thúc năm 2010, tổng giá trị cổ phiếu mà 20 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán sở hữu là gần 57.420 tỷ đồng, tương đương 2,94 tỷ USD.
Gần 130 người có sở hữu lượng cổ phiếu trị giá trên 100 tỷ đồngTheo tính toán của CafeF, hiện có khoảng 130 người (thuộc diện phải công bố thông tin về cổ phiếu nắm giữ) có lượng cổ phiếu trị giá trên 100 tỷ đồng – tính theo giá đóng cửa ngày 31/12. Tổng giá trị cổ phiếu mà nhóm này sở hữu trị giá hơn 84.000 tỷ đồng.
Để đứng trong top 100 phải có lượng cổ phiếu giá trị từ 140 tỷ đồng trở lên. Top 50 phải từ trên 295 tỷ đồng. Top 40 từ 380 tỷ đồng; top 30 từ 500 tỷ đồng; top 20 từ 760 tỷ và top 10 từ 1.633 tỷ đồng.
Tổng cộng có 13 người có lượng tài sản trên 1.000 tỷ đồng; trong đó, hai ông Phạm Nhật Vượng và Đoàn Nguyên Đức sở hữu trên 10.000 tỷ đồng.
Tổng giá trị cổ phiếu mà 20 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán sở hữu là gần 57.420 tỷ đồng, tương đương 2,94 tỷ USD.
Người giàu nhất trên thị trường chứng khoán
Sau nhiều năm chỉ đứng ở vị trí thứ 2, ông Phạm Nhật Vượng – Thành viên HĐQT của Vincom và Vinpearl – đã trở thành người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2010. Ông Vượng đã chắc chắc trở thành người giàu nhất TTCK kể từ khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/12.
Tính theo giá đóng cửa ngày 31/12, lượng cổ phiếu VIC và VPL mà ông Vượng đang sở hữu có giá trị thị trường đạt 15.776 tỷ đồng, tương đương 809 triệu USD.
So với số tài sản cuối năm 2009 là 8.949 tỷ đồng thì tài sản của ông Vượng đã tăng tới 76%.
Khối tài sản ông Vượng cao hơn 32,8% so với người đứng thứ 2 là ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai. Lượng cổ phiếu HAG mà ông Đức sở hữu trị giá 11.879 tỷ đồng. Tài sản của ông Đức chỉ tăng 3,8% so với cuối năm 2009 là 11.439 tỷ đồng (nếu HAG không tăng trần trong phiên cuối năm thì tài sản của ông đã giảm so với năm ngoái).
Theo thống kê trước đây vào ngày 24/9, lượng cổ phiếu HAG mà ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT HAG - nắm giữ trị giá 10.700 tỷ, cao hơn 1.400 tỷ so với lượng cổ phiếu của ông Vượng.
Tuy nhiên, sự tăng giá mạnh của VIC và VPL trong quý IV, trong khi giá HAG có xu hướng đi ngang là nguyên nhân chính dẫn đến việc ông Vượng vượt ông Đức để dẫn đầu top những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.
Trong thống kê hồi tháng 9, cổ phiếu SQC vào diện tính toán. Tuy nhiên, sau đó thì cổ phiếu này đã đưa ra thông tin về việc dừng hoạt động kinh doanh chính trong 1 thời gian dài cộng với việc SQC dự định hủy niêm yết nên lần thống kê này sẽ không bao gồm cổ phiếu SQC.
20 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2010
20 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2010
Vị trí thứ 3 thuộc về ông Đặng Thành Tâm. Lượng cổ phiếu KBC, SGT, ITA và NVB mà ông Tâm nắm giữ trị giá 4.145 tỷ đồng.
Nếu tính thêm cả 60 triệu cổ phiếu SQC thì khối tài sản của ông Tâm sẽ tăng thêm 5.220 tỷ đồng nữa và ông Tâm vẫn ở vị trí thứ 3. Tuy nhiên, mức giá 87.000 đồng là quá bất hợp lý với tình hình kinh doanh hiện tại của SQC.
Năm 2009, theo thống kê của CafeF, ông Tâm là người giàu nhất trên TTCK Việt Nam với 13.712 tỷ đồng, trong đó có gần 9.000 tỷ đồng là giá trị cổ phiếu SQC.
Đứng ở vị trí thứ 4 là ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát – với 2.963 tỷ đồng. Ông Long đã nhiều năm liền đứng ở vị trí thứ 4. Trong năm vừa qua, ông Long được nhắc đến khá nhiều với việc là người thứ 2 sở hữu máy bay riêng sau ông Đoàn Nguyên Đức.
Trong 3 năm qua, 4 doanh nhân trên đều chia nhau các vị trí trong top những người giàu nhất trên TTCK Việt Nam.
Vị trí thứ 5 và thứ 7 là hai gương mặt khá mới: Ông Trần Văn Đạt – Chủ tịch Phát Đạt (PDR) – với 2.611 tỷ đồng và ông Hà Văn Thắm – Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương (OGC) – với 2.013 tỷ đồng. PDR và OGC mới chào sàn trong năm nay.
Bốn doanh nhân lần đầu tiên đưa cổ phiếu của mình lên niêm yết
Từ trái qua: Ông Nguyễn Văn Đạt (PDR), Ông Hà Văn Thắm (OGC),
Bà Nguyễn Thị Như Loan (QCG) và ông Trương Anh Tuấn (HQC).
Cả 4 người này đều kinh doanh bất động sản
Từ trái qua: Ông Nguyễn Văn Đạt (PDR), Ông Hà Văn Thắm (OGC),
Bà Nguyễn Thị Như Loan (QCG) và ông Trương Anh Tuấn (HQC).
Cả 4 người này đều kinh doanh bất động sản
Đứng ở vị trí thứ 6, đồng thời cũng là nữ doanh nhân giàu nhất trên TTCK là bà Phạm Thu Hương - vợ ông Phạm Nhật Vượng – với 2.341 tỷ đồng.
Đứng thứ 8 là bà Phạm Thúy Hằng – Thành viên HĐQT Vincom (1.972 tỷ đồng).
Bà Nguyễn Thị Như Loan – chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai (QCG) – đứng thứ 9 với 1.641 tỷ đồng.
Thứ 10 và thứ 11 là hai thành viên HĐQT của Tập đoàn Masan (MSN): Bà Nguyễn Hoàng Yến (1.634 tỷ đồng) và ông Hồ Hùng Anh (1.633 tỷ đồng). Ông Hồ Hùng Anh hiện là chủ tịch HĐQT của Ngân hàng Techcombank. Giống như VIC, giá MSN cũng tăng giá mạnh trong quý IV.
Một số gương mặt đáng chú ý khác trong top 20:
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT – đứng thứ 14 với 990 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Sài Gòn (SSI) – đứng thứ 15 với 912 tỷ đồng.
Ông Đặng Hồng Anh – Chủ tịch HĐQT Sacomreal (SCR) và Thành viên HĐQT Sacombank (STB) – đứng thứ 18 với 799 tỷ đồng. Đây là doanh nhân trẻ nhất (sinh năm 1980) trong top 20.
Ông Đặng Hồng Anh là con trai của ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch HĐQT Sacombank. Ông Thành đứng thứ 25 trong danh sách.
Theo CaFeF
----Nguồn số liệu được thu thập từ công bố thông tin HSX, HNX và bản cáo bạch của các doanh nghiệp. Số lượng cổ phiếu được cập nhật khi có giao dịch mua/bán, thực hiện quyền.
Giá trị tài sản của các doanh nhân bao gồm cả lượng cổ phiếu đứng tên Doanh nghiệp tư nhân hoặc Cty TNHH một thành viên do doanh nhân đó sở hữu. Hai hình thức doanh nghiệp này đều do cá nhân đó sở hữu 100% vốn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét