Trang

3 tháng 1, 2011

Nhân vật của năm 2010 - Số 1

 Nhìn lại 1 năm qua của đất nước, chúng ta thấy được hình ảnh của người đứng đầu chính phủ.

 

Thủ tướng - Nhân vật của năm 2010

Đại sứ Mỹ Michael Michalak nhắc tới vai trò của Việt Nam trong ASEAN với điểm nhấn năm ASEAN 2010. "Chúng tôi rất hài lòng về những nỗ lực, hoạt động của Việt Nam", ông nói và không quên nhắc tới một người: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

LTS: Năm 2010 đã khép lại với dư âm còn vang vọng về những niềm vui, nỗi buồn, những tự hào, và hổ thẹn...Một năm của những đỉnh cao trí tuệ, ý chí dân tộc độc lập, tự cường, và cũng một năm của chồng chất những lo âu trăn trở thời cuộc.
Trong một năm đầy ắp sự kiện đó, in dấu hình của nhiều nhân vật. Họ không phải là  hoàn hảo. Nhưng mỗi con người bằng lòng khát khao, tâm huyết với đất nước, bằng trí tuệ và bản lĩnh đã tạo nên những dấu ấn đáng nhớ trong lĩnh vực của mình. Không tham vọng và không đủ sức để giới thiệu đầy đủ rất nhiều những gương mặt nổi bật trong năm qua, những nhân vật được giới thiệu dưới đây như những nét chấm phá, để nhìn vào họ, nhìn qua họ, thấy được hình ảnh một đất nước, một dân tộc không ngừng nỗ lực vươn lên trong suốt một năm đầy sóng. Có thể có những nhân vật được nêu tên sẽ gây ra nhiều tranh cãi, nhưng cũng chính những nhận định trái chiều ấy đã nói lên dấu ấn của họ.

Kể từ số này, Tuần Việt Nam sẽ lần lượt giới thiệu những nhân vật của năm 2010.

"Tôi nghĩ ngài Thủ tướng Việt Nam xứng đáng là người có sức khỏe dẻo dai vì đã phải chủ trì rất nhiều hội nghị, dù tôi chắc chắn rằng ông phải rất mệt", ngài Đại sứ tỏ ra hóm hỉnh khi bình luận, nhưng ông khẳng định chắc nịch ngay : "Việt Nam đã làm rất tốt trong năm nay khi chủ trì hàng loạt các hội nghị quan trọng của khu vực".
Chỉ tính riêng 11 hội nghị cấp cao do Việt Nam chủ trì tại Hà Nội trong hơn hai ngày (28 đến 30/10) dường như đã là một kỷ lục trong lịch sử hội nhập của ASEAN.
Nhiều ngày sau khi Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 17 tại Hà Nội kết thúc, tờ Thời báo Nhật Bản chạy bài bình luận về một trong những thành công lớn nhất của Việt Nam trong vai trò kết nối ASEAN với quốc tế chính là việc đưa Mỹ và Nga tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS). Và để có được thành công lớn là do sự dẫn dắt "khôn ngoan và điều hành linh hoạt, khéo léo" của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.
Nếu như năm 2010 ghi điểm son về đối ngoại cho Thủ tướng thì năm 2010, về đối nội cũng ghi dấu một năm đầy sóng gió và thử thách gay gắt với bản lĩnh người đứng đầu Chính phủ. Ảnh: Lê Anh Dũng
Tờ The Nation của Thái Lan thì gói gọn bài viết nêu quan điểm của mình trong tít lớn chủ điểm : "Vai trò lãnh đạo ASEAN của Việt Nam là bài học cho tất cả" (Vietnam's asean leadership has provided lessons for all). Một trong những nhận định của bài viết nêu rằng : "rõ ràng, có rất nhiều thành tựu mang tính biểu tượng mà Việt Nam đã đạt được thông qua các động thái ngoại giao được công phu dàn dựng cũng như thông qua các tuyên bố, phát biểu".
Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono trong bài phát biểu tiếp nhận chức cương vị Chủ tịch ASEAN 2011 đã đánh giá những nỗ lực của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2010, cho rằng ASEAN đã trở nên mạnh mẽ trong vai trò dẫn dắt của Việt Nam.
Để tạo được những ấn tượng đặc biệt đó, có lẽ ít ai biết được, là kết quả của những nung nấu, cọ xát gay gắt về quan điểm, để đạt được đồng thuận về đổi mới về tư duy chiến lược, về kế sách ứng xử.
Có lẽ, chưa khi nào kể từ khi bắt đầu Đổi Mới, đất nước này phải đối diện với những câu hỏi lớn, mang tính sống còn cả trong lẫn ngoài. Rằng con đường đi của dân tộc này sẽ tới đâu, hành xử như thế nào trước một thế giới đầy biến động, mong manh, bất trắc. Rằng dân tộc này sẽ gìn giữ độc lập và chủ quyền quốc gia mà bao thế hệ đã hi sinh máu xương để giành được ra sao đây trước những sức ép ngày càng tăng từ sự trỗi dậy của một cường quốc và những biến động khôn lường trong cán cân quyền lực.
Bài học từ cuộc chiến bi thương trong quá khứ, khi Việt Nam trở thành chiến trường cho cuộc cạnh tranh quyền lực giữa hai siêu cường vẫn còn nhức nhối tâm can mỗi người Việt yêu nước. Chỉ một sai lầm trong nhận định về thời cuộc, chỉ một chút chủ quan trong ý thức về mình, về người, chỉ một chút nghiêng về bên nào đó, cái giá phải trả thật khó có thể hình dung.
Giờ đây, người dân Việt Nam và giới quan sát đã có thể tạm thở phào nhẹ nhõm khi Việt Nam không chỉ hoàn thành xuất sắc vai trò hạt nhân đoàn kết, hợp tác khu vực của mình, mà quan trọng hơn hết thảy, đã biết tận dụng đến từng giây phút cơ hội quý giá để đấu tranh và bảo vệ cho chính lợi ích quốc gia mình.
Và đúng như đánh giá của giới quan sát nước ngoài, trong thành quả chung ấy, cần ghi điểm cho vị Thủ tướng Việt Nam. Với những gì đã thể hiện trên trường quốc tế năm qua, người đứng đầu Chính phủ tiếp tục khẳng định chí hướng "Thủ tướng của đổi mới và hội nhập" mà Tạp chí World Business đã dành cho ông khi mới nhậm chức.

Bản lĩnh "người đứng đầu sóng ngọn gió"
Nếu như năm 2010 ghi điểm son về đối ngoại cho Thủ tướng thì năm 2010, về đối nội cũng ghi dấu một năm đầy sóng gió và thử thách gay gắt với bản lĩnh người đứng đầu Chính phủ. Liên tiếp những khó khăn trong ngoài ập tới. Kinh tế toàn cầu đang gắng gượng lần hồi ra khỏi khủng hoảng. Trong nước, thiên tai bão lũ giáng những cú đòn khủng khiếp, gây thiệt hại không thể lường nổi về người và của.
Trong cơn sóng gió đó, có lẽ cần công bằng nhìn nhận những gì mà Thủ tướng và Chính phủ của ông đã làm được khi tổng GDP, cuối cùng đã về đích an toàn khi vượt mốc 100 tỷ USD, vượt hơn kì vọng ban đầu, mà như đánh giá của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc là "vượt qua được khủng hoảng một cách ít tổn hại nhất".
Nhưng bên cạnh đó, là không ít nỗi lo về bất ổn kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao đang bắt đầu tác động vào mâm cơm của từng gia đình. Nhìn dưới khía cạnh này, không thể né tránh thực tế rằng, đã có những va vấp, sơ xảy trong điều hành kinh tế vĩ mô một năm qua.
Không phải ngẫu nhiên, người ta thường dùng từ "chiếc ghế nóng" để nói về công việc của những nhà lãnh đạo. Ghế nóng, vì những trọng trách đặt lên vai họ luôn nặng nề. Ghế nóng, vì họ luôn phải đối mặt với nhiều áp lực.
Nếu hiểu theo khía cạnh đó, có lẽ, vị trí Thủ tướng là một trong những "chiếc ghế nóng nhất". Bởi ông nắm giữ cương vị điều hành Chính phủ, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất. Đây là nơi quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Nhà nước; bảo đảm hiệu lực của bộ máy Nhà nước từ TƯ đến cơ sở. Và bởi lẽ, sự thành công hay không của Chính phủ có thể được cảm nhận, được đo lường một cách hữu hình và cụ thể, qua góc nhìn của từng người dân.
Chỉ cần nhìn vào con đường của Tổng thống da màu đầu tiên nước Mỹ, Barack Obama cũng đủ thấm thía cái nghiệt ngã của người làm lãnh đạo. Khởi đầu con đường là hoa hồng và những lời tụng ca, như biểu tượng của sự đổi thay, trong kì vọng lớn lao của dân chúng. Rồi 2 năm qua đi, xưng tụng biến mất, đối diện với những chỉ trích gắt gao thậm chí cay nghiệt của dư luận, sự quay lưng của không ít những người mới đây thôi không tiếc lời ủng hộ, ngợi ca mình.
Bởi chính sách không phải lúc nào cũng đúng, lại càng không thể thoả mãn được lợi ích của tất cả. Chưa kể, trên con đường dài thăm thẳm của quyền lực và trách nhiệm, không gì đảm bảo người lãnh đạo không va vấp, sai lầm.
Nhưng cũng chính ở đây, mà bản lĩnh chính khách mới thực sự được thử thách, được kiểm nghiệm. Ai cũng có thể sai lầm. Nhưng anh có đủ can đảm đối diện với sai lầm, đối mặt với chỉ trích và hành động sửa chữa sai lầm đó hay không? Một khi làm được điều đó, bãn lĩnh chính khách mới được bộc lộ và người lãnh đạo mới xứng đáng với trọng trách được trao.
Nếu nhìn ở khía cạnh này, cách mà người đứng đầu Chính phủ đối mặt không né tránh trước những câu hỏi hóc búa, dồn dập về trách nhiệm cá nhân trong phiên chất vấn Quốc hội cuối cùng, với sức ép chưa từng có tiền lệ ở Quốc hội đối với vị trí Thủ tướng đã nói lên được nhiều điều.
Nói như ông Dương Trung Quốc, vị đại biểu quốc hội có tiếng là nói thẳng, và hay "hỏi khó" Chính phủ thì Thủ tướng "ở vào vị thế của một người đứng đầu Chính phủ nhưng vẫn nằm trong một cơ chế khó có thể nói rằng đã hoàn thiện, ông đã làm tốt nhất những gì có thể làm được trong cuộc chất vấn này. Số đông người dân nhìn nhận là Thủ tướng nghiêm túc, không né tránh".
Có lẽ, cũng nên nhắc tới nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung như một đánh giá tương đối khách quan:
"Trong 3 năm qua, Chính phủ đã rút ra được nhiều bài học trong quá trình điều hành cải cách khối doanh nghiệp nhà nước, trong điều hành đảm bảo các cân đối vĩ mô và giải quyết những cú sốc bất ổn của nền kinh tế. Đã có những thành công và thất bại, nhưng quan trọng nhất là phải rút ra được bài học, kinh nghiệm để thay đổi, cải cách mà cụ thể ngay từ năm 2011'".
Trong thông điệp điều hành cuối năm, người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh đến việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đòi hỏi mang tính sống còn khi rất nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cảnh báo động lực tăng trưởng theo cách cũ của Việt Nam đã tới giới hạn. Con đường trước mắt Thủ tướng và các cộng sự của ông chắc chắn chông gai sẽ không ít hơn 3 năm qua. Bởi việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế sẽ đụng chạm không ít đến những nhóm lợi ích, thậm chí có thể gây ra những cú sốc và tổn thương không nhỏ. Con đường ấy đòi hỏi ở ông và những cộng sự của mình một tín tâm, quyết tâm, một bản lĩnh quyết liệt không chỉ trong lời nói.
Vì những lý do đó, chúng tôi chọn ông là một Nhân vật của năm 2010.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét